Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tôn Hoa Sen phát biểu tại Hội nghị về tôn thép giả.
Tại một hội thảo ở Hà Nội với chủ đề “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: nhận diện và quản lý”, các đại biểu tham dự đều cho rằng, hoạt động buôn lậu, nhái tôn thép trong nước đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn và diễn ra ở khắp các địa phương trong cả nước.
Thiệt hại 1.300 tỉ đồng vì tôn giả
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tôn Hoa Sen cho biết: Mỗi mét tôn giả người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khoảng 4.000 - 6.000 đồng. Với thị phần khoảng 20% như nói trên, số tiền mà người tiêu dùng thiệt hại do mua phải tôn giả năm 2014 lên tới khoảng 1.300 tỉ đồng. Từ thực tế này, ông Vũ cho rằng, để chống hàng giả trước hết phải lành mạnh hóa thị trường, đồng bộ từ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, quản lý thị trường (QLTT) phải làm liên tục, hết trách nhiệm, buộc các doanh nghiệp phải công bố công khai tiêu chuẩn hàng hóa ngay tại cửa hàng. Theo lời ông Vũ, năm 2013, tôn Hoa Sen chiếm 39,31% thị phần trong nước. Nhưng chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ này giảm 2,6% do tôn giả - nhái, tương đương gần 45.000 tấn, dẫn đến lãi gộp bị mất 118 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thông tin: Theo thống kê của VSA, hiện nay nước ta có 15 công ty lớn là thành viên của VSA và một số cơ sở nhỏ sản xuất tôn thép mạ, tôn phủ màu với năng lực sản xuất trên 4 triệu tấn/năm, được đánh giá là số 1 trong các nước ASEAN cả về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, đầu ra cho tiêu thụ lại đang gặp không ít khó khăn do vấn nạn hàng giả, hàng nhái trà trộn chiếm lĩnh thị trường. Đây chính là “rào cản” khắc nghiệt, khiến cho ngành tôn thép trong nước chỉ phát huy được khoảng 60% năng lực, phải đẩy mạnh xuất khẩu 664.000 tấn mới tiêu thụ hết số hàng sản xuất trong nước trong 10 tháng đầu năm.
Giả nhiều nhưng bắt được ít
Chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất tôn thép chân chính, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục QLTT Bộ Công thương, cho biết: Trước thực trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp, Chính phủ và đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng QLTT vào cuộc quyết liệt, kiểm tra tịch thu khoảng 10.000 tấn các loại tôn, thép. Trong số này, tính riêng trên địa bàn TP.Hà Nội bắt khoảng gần 200 tấn tôn nhập khẩu nhái nhãn nổi tiếng và đang tiến hành điều tra làm rõ thêm. Tại Vĩnh Phúc, QLTT đã trực tiếp kiểm tra và xử lý 16 vụ, đồng thời cũng đang trong quá trình điều tra để làm rõ. Theo đánh giá của ông Tín, tình trạng tôn, thép bị làm giả, làm nhái tương đối phổ biến nhưng kết quả thanh tra, xử lý chưa tương xứng với thực tế diễn ra. Vì đa phần hàng giả, hàng nhái không bày bán tại các cửa hàng mà được cất giấu ở những kho riêng nên việc kiểm tra, xử lý chỉ phát hiện được sự gian lận về giá cả, niêm yết giá. Trong khi gian lận thương mại phổ biến tại các cửa hàng, công ty là độ dày thực tế của tôn thấp hơn so với thông tin đã in.
Theo ông Trần Việt Hưng, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, trong năm 2014, đơn vị này đã bắt giữ 64.500 tấn tôn thép các loại, với sai phạm chủ yếu là khai báo sai về tên hàng, mã số HS để gian lận thuế, trốn thuế, mà nguyên nhân là do các quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu mặt hàng tôn thép còn nhiều bất cập, dễ bị lợi dụng. Ông Hưng chỉ rõ: Do việc áp mã để tính thuế còn phức tạp nên dễ dẫn đến khi nhập khẩu doanh nghiệp khai báo một loại, khi bán ra thị trường lại quảng cáo bán là loại khác, đã tạo điều kiện để các đối tượng gian lận về chất lượng.
Chính vì vậy, ông Hưng kiến nghị nhà nước cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu theo hướng: hàng hóa khi nhập khẩu về VN phải ghi đầy đủ các yếu tố bắt buộc như xuất xứ, nhãn hiệu để bảo đảm kiểm soát có hiệu quả nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định bộ tiêu chuẩn về chất lượng thép nhập khẩu bảo đảm sát với yêu cầu thực tế, tránh làm kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng gian lận.
Nguồn: Báo Thanh Niên
Theo tính toán của một nhà thầu xây dựng, giá trị phần mái chỉ chiếm 10% trong tổng số giá trị xây dựng của một công trình. Sau khi trừ đi phần sắt hộp, tỷ lệ mái tôn chỉ đạt 5%. Ví dụ một dự án nhà xưởng công nghiệp có hợp đồng xây dựng 100 tỷ, kinh phí dành cho phần mái tôn là 5 tỷ. Thông thường, khi quyết toán với chủ đầu tư, nhà thầu sẽ đề nghị thanh toán hết 100% khối lượng công việc . Nếu chỉ vì chất lượng mái tôn có vấn đề về độ dày, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập nhèm tiêu chuẩn kỹ thu, số tiền 100 tỷ sẽ bị gác lại chờ thẩm định. Như vậy, nếu có tiết kiệm được vài trăm triệu đồng từ 5 tỷ tiền mái tôn mà bị ách lại cả khoản 100 tỷ đồng, nhà thầu sẽ bị thiệt hại. Vì vậy, nhà thầu xây dựng uy tín không nên bỏ qua khâu kiểm tra, sử dụng sản phẩm tôn chính hãng, có thương hiệu được bảo hộ để bảo vệ uy tín thương hiệu.
Đại diện lãnh đạo Công ty Tôn Phương Nam khuyến cáo, thị trường xuất hiện một số hàng nhái, hàng giả sản phẩm của công ty dưới các hình thức: tôn mạ màu nhái với các tên gọi như SC Việt Nhật, SCC Việt Nhật, Tôn Việt Nhật, Tôn Nhật Việt, Tôn Nhật, Tôn Japan. Một số xưởng cán sóng tôn nhập sản phẩm tôn mạ mầu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, sử dụng máy in phun được gắn trên máy cán tôn in giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam - SSSC Tôn Việt Nhật. Các đơn vị đã in giả thông tin và mạo nhận là nhà phân phối sản xuất tôn mạ kẽm, tôn mạ màu của Phương Nam và chào giá thấp hơn giá công ty bán cho các đại lý phân phối từ 10 đến 20%.
Công ty khuyến cáo hệ thống đại lý, nhà phân phối nên cảnh báo cho khách hàng của mình về hiện tượng lừa đảo trên để tránh xảy ra mất mát không đáng có. Khách hàng nên mua hàng trực tiếp từ các nhà phân phối chính thức tại khu vực để đảm bảo quyền lợi của mình. Đồng thời, khi phát hiện các hiện tượng trên, người tiêu dùng cần phản hồi lại cho công ty hoặc cơ quan chức năng để xử lý.
(Nguồn: Tôn Phương Nam)
Hàng rào kỹ thuật lỏng lẻo, chưa có quy chuẩn chất lượng... là những nguyên nhân khiến thép VN bị “tấn công” ngay trên sân nhà.
Hậu quả của tình trạng này không chỉ đẩy các doanh nghiệp thép trong nước đứng trước nguy cơ đình đốn sản xuất, mà còn là hồi chuông báo động cho các công trình xây dựng do sử dụng các sản phẩm thép nhập khẩu chất lượng thấp.
Nhập nhiều do giá rẻ
Giám đốc một doanh nghiệp kết cấu thép có trụ sở ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) kể, giá thép tấm đen nhập từ Trung Quốc chỉ trong vài tháng qua đã giảm mạnh 40%, hiện còn khoảng 7,3 triệu đồng/tấn. Mặt hàng này được sử dụng chủ yếu trong các công trình xây dựng, nhà xưởng... Giá rẻ nên lượng hàng nhập về tăng chóng mặt.
Ngoài thép tấm đen, doanh nghiệp này còn nhập thép cuộn mạ kẽm từ Trung Quốc. Giá mặt hàng này cũng giảm mạnh, từ 12,5 triệu đồng/tấn hồi đầu năm hiện chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/tấn, lượng nhập về cũng tăng 50% so với cùng kỳ 2014.
Đặc biệt mặt hàng tôn, sản phẩm mà doanh nghiệp VN có ưu thế, cũng đang bị tôn từ Trung Quốc nhập về chiếm lĩnh thị trường. Theo Hiệp hội Thép VN (VSA), lượng tôn nhập khẩu cả năm 2014 là 750.000 tấn thì chỉ trong tháng 9-2015, mặt hàng này nhập khẩu đã tăng vọt lên 1 triệu tấn.
Thép Trung Quốc đổ bộ khắp nơi
Theo Hiệp hội Thép thế giới, một trong những nguyên nhân khiến thép Trung Quốc đổ bộ khắp nơi trên thế giới là do nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa giảm mạnh, khiến lượng thép dư thừa tại quốc gia này ước có thể đạt trên... 300 triệu tấn so với tổng lượng sản xuất 814 triệu tấn trong năm 2015.
Để giảm thiểu tình trạng khó khăn nói trên, Trung Quốc đã áp dụng một số giải pháp để tiêu thụ được thép nhiều hơn.
Chẳng hạn Trung Quốc đang áp dụng chính sách miễn giảm thuế, hoàn thuế đối với thép hợp kim, thép cây, thép cuộn, thép tấm cuộn cán nóng... để đẩy mạnh xuất khẩu; chấp nhận bán dưới giá thành với mức giá thấp hơn 20-40% so với giá thị trường thế giới, nhưng lại áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép từ những nước muốn xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, đến cuối tháng 10-2015 tổng lượng sắt thép các loại nhập khẩu vào VN từ Trung Quốc đã lên đến 7,71 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 61,1% tổng lượng nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Điều khiến nhiều người giật mình là các sản phẩm thép có yếu tố “hợp kim” như thép cuộn, thép cây cho đến cả phôi thép... sản lượng nhập khẩu tăng gấp hàng chục lần, nhưng đơn giá bình quân nhập khẩu lại giảm khá mạnh từ 1 - 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, mức giảm giá sâu nhất tới 4,5 lần là phôi thép hợp kim, từ trên 1.800 USD/tấn hiện chỉ còn khoảng 413 USD/tấn.
Đội lốt “hợp kim”
Giải thích với PV Tuổi Trẻ về yếu tố “hợp kim” trong các sản phẩm thép, ông P. - tổng giám đốc một công ty thép ở phía Nam - nói: “Ngay trong quá trình sản xuất tại Trung Quốc, nhà sản xuất đã tính toán bỏ nguyên tố boron hoặc crom để có tên là “thép hợp kim” nhằm hưởng thuế suất nhập khẩu 0% (thay vì phải nộp thuế 5 - 10% tùy loại), nhưng thực tế toàn bộ loại thép này khi nhập khẩu về VN đều dùng để xây dựng”.
Vẫn theo vị tổng giám đốc này, hầu hết thép cuộn hoặc thép cây hợp kim khi nhập về VN đều đưa đi các tỉnh tiêu thụ dưới nhiều hình thức khác nhau, giá bán chỉ 10 triệu đồng/tấn, rẻ hơn thép xây dựng sản xuất trong nước cả triệu đồng/tấn.
“Thay vì công ty chúng tôi trúng thầu cung cấp thép xây dựng cho tỉnh A, bây giờ sẽ có công ty thương mại cung ứng loại thép này để kèm với thép xây dựng truyền thống” - vị này giải thích.
Còn đối với sản phẩm tôn mạ kẽm và phủ màu nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Vũ Văn Thanh, phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cho biết tình trạng “đôn dem”, tức gian lận độ dày của tôn, đã “lây lan mạnh mẽ trên diện rộng”.
“Thứ nhất là tôn ghi độ dày một đằng, nhưng do khó đo nên họ bớt xén độ dày, có trường hợp trên 25%. Thứ hai là độ dày của lớp mạ. Công bố có thể là AZ70, nghĩa là sẽ mạ 70g hợp kim nhôm kẽm/m2, nhưng tôn kém chất lượng chỉ mạ 30g hoặc 40g, chưa kể chất lượng sơn không đảm bảo” - ông Thanh phân tích. Do đó, nếu tôn chất lượng bảo hành 10 năm thì tôn gian, kém chất lượng chỉ dùng được 5 - 7 năm là hết mức.
Theo tiết lộ của một phó giám đốc doanh nghiệp sản xuất tôn lớn khác ở phía Nam, hiện có tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất tôn có quy mô nhỏ, chưa có thương hiệu trên thị trường đã đặt hàng tận bên Trung Quốc dập sẵn code mã hàng, ký hiệu sản phẩm, logo thương hiệu của các doanh nghiệp đã có uy tín trên thị trường rồi nhập về VN, bán cùng với sản phẩm có thương hiệu.
Tình trạng này đang rất phổ biến ở khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên. “Khi họ đặt làm, độ dày, độ mạ và độ phủ sơn của sản phẩm giả hiệu đương nhiên sẽ thấp hơn tiêu chuẩn của các doanh nghiệp có uy tín nên giá sẽ rẻ hơn” - vị này thông tin.
Lỏng lẻo khâu kiểm soát
Các chuyên gia trong ngành thép cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào VN là do quy định và hàng rào kỹ thuật ở VN còn lỏng lẻo cùng khâu kiểm soát, thực thi quy định chưa chặt.
“Mã HS của phôi vuông (phôi thép thông thường) là 7207, thuế suất 9%. Nhưng nếu doanh nghiệp nhập khẩu cố tình khai thành mã HS 7224 là phôi thép hợp kim thì thuế suất là 0%. Vấn đề ở đây là hải quan làm sao biết được phôi thép nào là hợp kim, cái nào không nếu nhìn bằng mắt thường khi cả hai sản phẩm này đều có hình dáng bên ngoài như nhau? Đây chính là một trong các kẽ hở” - tổng giám đốc công ty thép P phân tích.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Sưa - phó chủ tịch VSA, để được nhập khẩu thép hợp kim, quy định hiện hành buộc các doanh nghiệp nhập khẩu phải bị kiểm tra năng lực sản xuất hoặc phải có hợp đồng ủy thác đối với các doanh nghiệp là công ty thương mại.
Đồng thời phải tiến hành đăng ký hợp chuẩn mác thép nhập khẩu để Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đánh giá việc khai báo này có đúng như quy chuẩn đã đăng ký hay không. “Tôi cho rằng khâu kiểm tra đăng ký hợp chuẩn làm chưa tốt vì số mác thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay chỉ có khoảng 25 mác. Nếu muốn kiểm soát cũng không phải là quá khó vì số doanh nghiệp nhập khẩu loại này cũng không phải quá nhiều” - ông Sưa thẳng thắn.
Mặt khác, theo các chuyên gia, hiện VN chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng thép. “Chúng ta còn chấp nhận tiêu chuẩn cơ sở, tức tiêu chuẩn doanh nghiệp tự soạn và công bố. Vì vậy rất khó ngăn chặn thép, tôn kém chất lượng từ các nước tràn vào. Để hạn chế tình trạng này, cần sớm ban hành một bộ tiêu chuẩn quốc gia VN về chất lượng thép, tôn thép” - một chuyên gia lâu năm trong ngành thép đề nghị.
Đồng quan điểm, ông Thanh cũng cho rằng hiện doanh nghiệp VN xuất khẩu sản phẩm sắt thép sang các nước thì gặp hàng rào thương mại, hàng rào kỹ thuật vô cùng khắt khe của nước bạn. Trong khi đó, tại thị trường nội địa lại để hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn vào với số lượng lớn dễ dàng, thoải mái.
“Cần sửa thông tư liên tịch 44/2013 của Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ. Đồng thời VN cần áp một tiêu chuẩn quốc gia, buộc các sản phẩm thép muốn được bán tại VN phải tuân thủ, hoặc trong trường hợp VN chưa ban hành ngay được tiêu chuẩn quốc gia thì có thể áp dụng tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực để kiểm soát hàng nhập khẩu” - ông Thanh đề xuất.
Nguồn: cafef.vn
Bộ phận kinh doanh
Vui lòng gọi
(28) 6265 7997 - (28) 3767 1999
Hoặc email để nhận được giá tốt nhất:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Mobile: 0903.800.572 (Mr. Sum)
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Mobile: 0903.800.469 (Ms. Linh)
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Mobile: 0903.800.647 (Ms. Linh)
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Mobile: 0903.800.245 (Ms. Nguyên)
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Mobile: 0903.353.269 (Mr. Sang)
Đối tác